0

Rối loạn chức năng tình dục là gì? (phần 1) | Safe and Sound

Rối loạn chức năng tình dục là bất kỳ vấn đề nào ngăn cản một hoặc một cặp vợ chồng đạt được sự thỏa mãn từ hoạt động tình dục. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, rối loạn chức năng tình dục là phổ biến nhưng phần lớn mọi người không thích nói về nó. Vậy rối loạn chức năng tình dục là gì?

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa rối loạn chức năng tình dục

Hoạt động tình dục bình thường ở người có 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn kích thích: chủ yếu là do nhân tố tâm lý.
  • Giai đoạn hưng phấn: cả nhân tố tâm lý và sinh lý.
  • Giai đoạn cực khoái: phóng tinh ở nam giới, những co thắt theo nhịp cơ vận đáy chậu và cơ quan sinh dục cả nam và nữ.
  • Giai đoạn thoái trào: trở lại trạng thái sinh lý bình thường.

Hoạt động tình dục là một quá trình liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa cơ thể và tâm lý. Nghĩa là, liên quan đến phản xạ vỏ não và phản xạ tuỷ sống - cùng. Phản xạ tuỷ sống - thắt lưng cùng liên quan đến kích thích ngoại biên: cảm giác sờ nằn, đụng chạm tại chỗ cơ quan sinh dục và các vùng tình dục của thân thể. Phản xạ vỏ não liên quan đến quá trình tri giác, nhận thức, cảm xúc: nhìn, nghe, suy nghĩ, tưởng tượng, ước muốn về tình dục. Kích thích tình dục được tăng cường nhờ cảm xúc hứng thú là điều kiện tối ưu cho sự khoái cảm tình dục.

Ảnh 1: Rối loạn chức năng tình dục khi người bệnh không đáp ứng được tình dục hoặc không thể tham gia vào quan hệ tình dục như mong muốn

Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn chức năng tình dục, khi người bệnh không đáp ứng được tình dục hoặc không thể tham gia vào quan hệ tình dục được như mong muốn. Rối loạn chức năng tình dục gặp ở nam giới phần lớn phàn nàn là bất lực, rối loạn cương cứng, rối loạn xuất tinh; còn ở phụ nữ, các chuyên gia tâm lý cho biết, họ thường phàn nàn về chất lượng hoạt động tình dục, lãnh cảm, không có khả năng nhận cảm khoái dục; cho cả hai giới là thiếu mong muốn tình dục.

2. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục

Nguyên nhân của rối loạn chức năng tình dục không thực tổn thường liên quan đến nhân tố tâm sinh. Tuy nhiên, cả hai quá trình tâm lý và cơ thể thường tham gia vào nguyên nhân của rối loạn chức năng tình dục. Trong đó, các yếu tố tâm thần, yếu tố thần kinh - thể dịch bao gồm các hormon và các chất dẫn truyền thần kinh (Testosterone, Oestrogen, Progesteron, Oxytocin,...) có vai trò quan trọng trong hoạt động tình dục cả ở nam giới và phụ nữ. Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cho biết, trung tâm não vùng Hypothalamus được xem như là cơ chế não cực kỳ quan trọng của mối quan hệ cảm xúc - tình dục.

3. Các biểu hiện và tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục

3.1. Các biểu hiện thường gặp

  • Thiếu hoặc mất ham muốn tình dục.
  • Thiếu thích thú, ghét sợ tình dục.
  • Thất bại trong đáp ứng tình dục. Rối loạn chức năng cường dương ở nam giới, khô âm đạo hoặc không tiết dịch ở phụ nữ.
  • Loạn chức năng khoái dục: khoái dục không xảy ra hoặc xảy ra chậm.
  • Phóng tinh sớm ở nam giới, co thắt âm đạo ở phụ nữ.
  • Xu hướng hoạt động tình dục quá mức (cả nam và nữ).

Ảnh 2: Người bệnh có biểu hiện thiếu hoặc mất ham muốn tình dục, sợ tình dục,...

3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán

  • Bệnh nhân không tham gia tình dục như mong muốn.
  • Rối loạn chức năng tình dục xảy ra thường xuyên.
  • Sự rối loạn chức năng tồn tại trong ít nhất 6 tháng.
  • Sự rối loạn chức năng này hoàn toàn không do bất kỳ một rối loạn hành vi hoặc rối loạn tâm thần nào khác trong ICD-10 hoặc rối loạn cơ thể nào, không do các thuốc điều trị. Có thể có nhiều loại rối loạn chức năng cùng tồn tại.

4. Các thể rối loạn chức năng tình dục

4.1 Thiếu hoặc mất ham muốn tình dục

  • Các tiêu chuẩn chung của rối loạn chức năng tình dục phải được đáp ứng.
  • Có sự thiếu hoặc mất ham muốn tình dục, biểu hiện bằng sự suy giảm việc tìm kiếm các dấu hiệu gợi dục, suy giảm những suy nghĩ về tình dục và các cảm giác ham muốn hoặc giảm những hình ảnh tưởng tượng về tình dục.
  • Thiếu thích nghi trong việc tiến hành các hoạt động tình dục gây ra tần suất hoạt động tình dục giảm rõ rệt so với mong đợi hoặc gây ra sự giảm tần suất so với mức độ hoạt động tình dục trước đó.

4.2. Ghét sợ tình dục và thiếu thích thú tình dục

Ghét sợ tình dục:

  • Các tiêu chuẩn chung đối với rối loạn chức năng tình dục phải được đáp ứng.
  • Viễn cảnh của mối quan hệ tình dục với bạn tình gây ra sự căm ghét, sợ hãi hoặc lo âu đủ làm cho hoạt động tình dục bị né tránh hoặc nếu có xảy ra thì thường kết hợp với một cảm giác âm tính mạnh mẽ và không có khả năng trải nghiệm sự hài lòng.
  • Sự ghét sợ không phải do hậu quả của lo âu (một phản ứng đối với sự thất bại trong đáp ứng tình dục trước đó).

Thiếu thích thú tình dục:

  • Các tiêu chuẩn chung đối với rối loạn chức năng tình dục phải được đáp ứng.
  • Các đáp ứng của cơ quan sinh dục (cực khoái hoặc phóng tinh) vẫn xảy ra trong khi hoạt động tình dục nhưng không đi kèm với cảm giác hài lòng hoặc các cảm giác hưng phấn dễ chịu.
  • Không có sự biểu hiện của nỗi sợ hãi hoặc lo âu dai dẳng trong khi hoạt động tình dục.
: Rối loạn chức năng tình dục là gì? (phần 1) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound